Nếu bạn đang có ý định du học tại Trung Quốc, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chuẩn bị hành trang tốt hơn cho chuyến đi thay đổi tương lai này.
Hãy chuẩn bị chu đáo trước khi du học tại Trung Quốc
Có một sự thật không phải ai cũng biết rằng: Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới nhưng tiếng Trung mới là ngôn ngữ có nhiều người sử dụng nhất thế giới. Sự thật này đồng nghĩa với việc nếu bạn có thể sử dụng tiếng Trung, bạn có thể nói chuyện với khoảng 1,4 triệu người tức là khoảng 1/6 dân số thế giới.
Tại Trung Quốc, mặc dù hệ thống giáo dục có rất nhiều chương trình học bằng tiếng Anh cho du học sinh, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, việc giao tiếp với người dân bản xứ là hoạt động không thể tránh khỏi và người dân Trung Quốc không phải ai cũng biết tiếng Anh để có thể dễ dàng giao tiếp với bạn. Vì vậy nếu bạn đến Trung Quốc du học mà chỉ mang theo hành trang là vốn tiếng Anh siêu đỉnh thì chắc chắn chưa đủ, việc giao tiếp hàng ngày vẫn sẽ gặp khó khăn đáng kể và có thể ảnh hưởng đến quá trình du học của bạn. Vậy nên nếu muốn đến Trung Quốc du học theo hệ tiếng Anh hay ngôn ngữ khác các bạn vẫn nên trang bị cho mình một khóa tiếng Trung giao tiếp cơ bản.
Còn nếu yêu thích Trung Quốc, muốn theo học tại Trung Quốc theo các chương trình bằng ngôn ngữ này thì việc rèn luyện tiếng Trung đến mức độ nào là đủ? Đáp án chỉ có thể là: Tích lũy càng nhiều càng tốt.
Định hướng chương trình học tiếng Trung
Hiện nay, muốn sang Trung Quốc du học, tùy theo từng bậc học, trường, chuyên ngành mà chúng ta chọn sẽ có yêu cầu chuẩn về trình độ tiếng Trung khác nhau. Ví dụ: theo học Chuyên ngành kinh tế tại bậc Đại học phải có trình độ tiếng Trung tối thiểu là HSK 4 điểm cao hoặc HSK 5, đối với bậc Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ sẽ có yêu cầu cao hơn và mức cụ thể về số điểm của từng phần nghe, nói, đọc, viết. Thậm chí một số khóa học ngôn ngữ như 1 năm tiếng hay 1 kì tiếng cũng yêu cầu sinh viên phải có HSK 3. Tuy nhiên đây là mức yêu cầu tối thiểu để có khả năng nghe hiểu bài giảng, là yêu cầu cơ bản nhất. Còn quá trình theo học tại trường không hẳn đơn giản như thế.
Một ví dụ đơn giản có thể kể đến như: Giả sử chúng ta đến Trung Quốc và theo học chương trình đại học cùng với các sinh viên Trung Quốc khác, chúng ta sẽ được coi như một sinh viên chính quy bình thường, các thầy cô sẽ giảng bài như cách họ giảng bài cho các sinh viên Trung Quốc khác, bất kể về tốc độ hay cách dùng từ cũng sẽ không vì bạn chưa học từ đó hoặc chưa nghe hiểu lời giảng của giáo viên mà dừng lại. Nhưng bản thân chúng ta lại khác với các sinh viên Trung Quốc khác, tiếng Trung là “ngôn ngữ mẹ đẻ” của họ và họ cũng học qua 12 năm môn Ngữ văn Trung Quốc cũng như cách chúng ta học môn Ngữ Văn trong tiếng Việt, còn một lưu học sinh mới chỉ tiếp xúc được vài năm thậm chí là vài tháng với tiếng Trung mà thôi. Vì vậy kể cả những học sinh giỏi đã đạt được HSK 6 cũng chưa chắc đã dám vỗ ngực tự tin là bản thân mình giỏi tiếng Trung như người bản xứ nên hãy nhớ rằng “học” không bao giờ là thừa cả.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên vì những khó khăn trên mà hoang mang lo sợ để rồi bỏ qua con đường du học rộng mở của mình. Chúng ta cần có những chiến lược để trang bị một cách hiệu quả các kiến thức chuẩn bị cho chuyến du học sắp tới. Ngoài các kiến thức tiếng Trung cơ bản hãy trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức sau đây:
Các kỹ năng cần chuẩn bị
1. Kỹ năng phản xạ giao tiếp thực tế
Trong quá trình học tiếng Trung, việc giao tiếp luyện phản xạ hay cách trình bày suy nghĩ một cách logic, gãy gọn rất ít được đem vào trong các chương trình học, đặc biệt là các khóa học tiếng Trung ngắn hạn tại các Trung tâm. Một phần vì thời gian trên lớp không đủ để các giáo viên có thể chỉnh sửa kỹ càng cho học sinh, một phần vì hầu hết các trung tâm sẽ lấy HSK để làm thước đo tiêu chuẩn cho đầu ra các khóa học. Vì vậy luyện tập phản xạ không quá được coi trọng. Tuy nhiên khi đi du học thì khác, thử tưởng tượng nếu phải nói chuyện với 1 người rất lâu mà vẫn không hiểu thông điệp họ muốn truyền tải là gì hoặc phải nghe một bài thuyết trình mà từ đầu đến cuối nói năng ấp úng không rõ ràng chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ thoải mái và muốn kết bạn với người đó chứ? Chưa kể đến việc trình bày ý tưởng, làm bài thuyết trình cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số của bạn.
Ngoài ra, trong quá trình học tiếng Trung, phần lớn thời gian chúng ta sẽ tương tác với giọng đọc chuẩn trong băng thu âm. Điều này giúp giọng phổ thông trở nên “chuẩn” hơn, nhưng khi đi du học, những người bản xứ chúng ta gặp không phải ai cũng có giọng đọc “chuẩn” như vậy, thậm chí việc người bản xứ sử dụng phương ngữ hoặc giọng điệu bị ảnh hưởng bởi tiếng địa phương là hết sức bình thường. Và muốn hiểu được bạn phải có kỹ năng đoán ý và bắt từ cực tốt.
2. Kỹ năng tự học, nghiên cứu tài liệu
Kỹ năng tự học và nghiên cứu tài liệu là một kỹ năng cần thiết cho mỗi sinh viên bất kể có đi du học hay không. Tuy nhiên khi tự học và đọc tài liệu của một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ sẽ là một vấn đề không đơn giản. Việc đọc một bài luận từ vài trang đến một quyển sách cả trăm trang yêu cầu phải có một nền tảng ngôn ngữ tốt và có kỹ năng đọc hiểu và nắm bắt ý chính. Đây không phải là kỹ năng ngày một ngày hai chúng ta có thể đạt được, và thậm chí nếu không qua đào tạo luyện tập một cách khoa học thì rất khó đạt được. Nên nếu có thể hay cố gắng rèn luyện kỹ năng này thường xuyên và tìm một người hướng dẫn giỏi giang để giúp đỡ.
3. Kỹ năng biên phiên dịch, sử dụng từ ngữ
Cho dù đã có một vốn từ vựng phong phú và kỹ năng giao tiếp tốt, không có nghĩa sẽ có thể dịch thuật văn bản hay dịch nói như một phiên dịch viên thực thụ. Để có một bản dịch chất lượng, trôi chảy và đảm bảo nội dung là cả một quá trình học tập rèn luyện bài bản. Mặc du đi du học chúng ta chưa cần đến trình độ như những phiên dịch viên chuyên nghiệp, nhưng trong quá trình học tập và nghiên cứu, việc phiên dịch các văn bản tiếng Việt sang Trung hay ngược lại vẫn đòi hỏi những kỹ năng biên phiên dịch nhất định.
4. Chuẩn bị các kiến thức về văn hóa xã hội, hiểu rõ sự khác biệt giữa văn hóa của hai nước
Đến Trung Quốc và hòa nhập vào xã hội Trung Quốc chúng ta phải nắm được những quy tắc ứng xử giao tiếp trong văn hóa của đất nước bạn. Mặc dù Việt Nam, Trung Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa nhưng vẫn tồn tại nhưng đặc điểm khác biệt thú vị mà nếu không được những người có kinh nghiệm chia sẻ chưa chắc đã biết được. Có thể lấy một ví dụ thú vị như khi bị ốm và được một người bạn Trung Quốc tặng “một nải chuối” cùng lời chúc mau khỏe thì cảm giác thật sự khó diễn tả bằng lời, vì ở Việt Nam không ai tặng như vậy cả. Nhưng ở Trung Quốc việc mang chuối đi thăm người bệnh lại hết sức bình thường như việc ở Việt Nam mua cam hay táo vậy. Vậy nên nếu có chuẩn bị trước chúng ta sẽ bớt bỡ ngỡ hơn.
5. Chuẩn bị các kiến thức chuyên ngành trước khi nhập học
Một việc quan trọng không thể thiếu khi quyết định đi du học Trung Quốc theo hệ đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ đó là chuẩn bị những kiến thức chuyên ngành trước khi nhập học. Kiến thức chuyên ngành ở đây bao gồm cả kiến thức về lĩnh vực mà chúng ta theo học cũng như kiến thức về từ vựng liên quan đến chuyên ngành đó. Điều này vô cùng quan trọng vì nó giúp cho quá trình học tập thuận lợi hơn, giúp chúng ta không bị “sốc” khi tham gia các tiết học chuyên ngành toàn khái niệm mới.
Trên đây là những chia sẻ của VIED về chương trình Tiếng Trung giành cho những ai đã đang và sẽ có ý định đi du học Trung Quốc. Với những chia sẻ trên, chúng tôi mong rằng bạn sẽ chuẩn bị đầy đủ hành trang cho quá trình du học của mình diễn ra một cách thuận lợi. Để cải thiện kỹ năng tiếng Anh của bạn và thử sức với các bài kiểm tra TOEIC và ngữ pháp tiếng Anh, hãy truy cập englishfreetest.com ngay hôm nay và bắt đầu thử sức của mình.
Khóa học “Dự bị đại học” tại VIED Education có lộ trình hợp lý, chất lượng giảng dạy đảm bảo và sĩ số lớp giới hạn để đảm bảo chất lượng học tập. Hãy liên hệ với VIED để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học này.
Trung tâm du học VIED – Viện Phát triển Giáo Dục Việt Nam
- Trụ sở chính Hà Nội: 74 Trương Công Giai, P. Dịch Vọng, Q. Cầu Giấy, TP.Hà Nội
- Trụ sở chính Hồ Chí Minh: 204 Phạm Thái Bường, P. Tân Phong, Q. 7, TPHCM
Hotline: 0833146146